13/02/2020 15:22:13 PMXÂY DỰNG CHIẾN LƯỢC DOANH NGHIỆP TRONG KỶ NGUYÊN SỐ (Bài 3)
(Lượt xem: 472)XÂY DỰNG CHIẾN LƯỢC DOANH NGHIỆP TRONG KỶ NGUYÊN SỐ
(Bài 3: Chiến lược doanh nghiệp (Bản đồ chiến lược)
TS. Nguyễn Khắc Hùng
2.2.4 Vẽ bản đồ chiến lược doanh nghiệp
2.2.4.1 Bản đồ chiến lược là công cụ giúp các doanh nghiệp hoạch định chiến lược và triển khai các chiến lược của mình một cách dễ dàng và hữu hiệu hơn. Bản đồ chiến lược là một sơ đồ để ghi lại các mục tiêu chiến lược ưu tiên được một doanh nghiệp hoặc một nhóm quản lý theo đuổi. Đây là một bộ phận quan trọng của Thẻ điểm Cân bằng, đặc biệt được đề cập trong thế hệ thứ hai của thiết kế về Thẻ điểm Cân bằng. Kaplan và Norton đã mô tả một Bản đồ chiến lược có:
- Một khuôn khổ cơ bản của các trụ cột theo chiều ngang được sắp xếp theo một mối quan hệ nhân quả, điển hình là 4 trụ cột trong Thẻ điểm Cân bằng: Tài chính, Khách hàng, Quá trình hoạt động và Đào tạo và Phát triển
- Mục tiêu nằm trong những trụ cột đó. Mỗi mục tiêu như là một nội dung xuất hiện dưới dạng một hình khối (thường là hình bầu dục hoặc hình chữ nhật). Sẽ có tương đối ít các mục tiêu (thường ít hơn 20 mục tiêu)
- Các mục tiêu của từng bộ phận được tình bày theo chiều dọc và được kết nối với nhau để mở rộng các trụ cột. Đây được gọi là các chủ đề chiến lược.
- Làm rõ các mối quan hệ nhân quả giữa các mục tiêu, thông qua các trụ cột. Các chủ đề chiến lược thể hiện các giả thuyết về chiến lược sẽ thay đổi lợi nhuận của doanh nghiệp như thế nào.
Bản đồ chiến lược giúp ích rất nhiều trong việc triển khai các mục tiêu của doanh nghiệp và giúp doanh nghiệp thành công trong công việc kinh doanh. Sử dụng Bản đồ chiến lược sẽ đem lại những lợi ích sau:
- Mang lại những mục tiêu rõ ràng, đơn giản, trực quan.
- Hợp nhất mọi mục tiêu thành một chiến lược duy nhất.
- Xác định được mục tiêu trọng yếu nhất.
- Giúp nhận thức được tầm quan trọng của mục tiêu cá nhân
- Đo lường được kết quả đạt được khi thực hiện các mục tiêu
- Nắm được những yếu tố nào trong chiến lược cần được cải thiện.
Với những lợi ích như trên, Bản đồ chiến lược là một công cụ rất cần thiết để các doanh nghiệp vững bước trên con đường thực hiện mục tiêu sản xuất, kinh doanh trong giai đoạn chiến lược xác định.
2.2.4.2 Để vẽ bản đồ chiến lược theo BSC, cần tiến hành theo các bước phân tích có trình tự và thể hiện các mối quan hệ hữu cơ giữa các mục tiêu thành phần/nội dung của từng mảng, cụ thể là[1]:
- Phân tích hiện trạng của doanh nghiệp theo bốn mảng nội dung Tài chính, Khách hàng, Quá trình hoạt động và Đào tạo và Phát triển. Sau đó chỉ ra các mối quan hệ hữu cơ giữa các nội dung liên quan của các mảng.
- Xác định những thiếu hụt (gaps) ở mỗi mảng và xây dựng mục tiêu chiến lược cho mỗi mảng BSC. Việc này thể hiện những ưu tiên doanh nghiệp theo đuổi trong giai đoạn chiến lược.
- Vẽ bản đồ chiến lược theo chiều dọc, sắp xếp các lớp theo trình tự quy ước: bắt đầu từ mảng Học tập và Phát triển, tới Quy trình nội bộ, Khách hàng, Tài chính. Theo chiều ngang là các mục tiêu/hoạt động cụ thể cần triển khai ở mỗi mảng.
- Cân nhắc trọng số theo % về mức độ quan trọng của mỗi mảng BSC theo cả chiều dọc và chiều ngang, thể hiện trọng tâm và ưu tiên của từng mảng, và của từng mục tiêu/hoạt động trong mỗi mảng. Bảo đảm tổng trọng số cả chiều dọc và từng chiều ngang là 100%.
- Dùng mũi tên chỉ các mối quan hệ giữa từng mục tiêu/hoạt động trong mỗi mảng với mảng khác.
- Toàn bộ bản đồ chiến lược phục vụ việc đạt được mục tiêu chung của doanh nghiệp (xem ví dụ bản đồ chiến lược ở hình dưới đây).
Hình 3.5: Ví dụ bản đồ chiến lược doanh nghiệp[2]

Cũng có một số các cách tiếp cận khác được sử dụng trong Bản đồ chiến lược, và trong số những cách tiếp cận này cũng có một vài nét chung. Một số phương pháp tiếp cận sử dụng mối quan hệ nhân quả rộng hơn giữa các mục tiêu được thể hiện bằng các mũi tên; hoặc kết hợp các mục tiêu với nhau hoặc được đặt trong một cách không liên quan đến các mục tiêu cụ thể nhưng cung cấp những chỉ số uyển chuyển nói chung về vị thế của nhân quả.
2.2.4.3 Mối liên hệ giữa bản đồ chiến lược và phát triển chiến lược
Bản đồ chiến lược là một công cụ thúc đẩy ba giai đoạn của quá trình thực hiện mục tiêu trong suốt quá trình phát triển chiến lược, quá trình thực hiện chiến lược và học tập rút kinh nghiệm.
- Đầu tiên, cần nắm bắt chiến lược bắt đầu từ đội ngũ quản lý. Để thúc đẩy việc thảo luận giữa các đội về chiến lược, tất cả họ cần phải rời khỏi phòng làm việc và cùng nhau nói chuyện về chiến lược của họ.
- Việc thứ hai cần làm là truyền đạt chiến lược, tập trung những nguồn lực thuộc về doanh nghiệp, và lựa chọn các biện pháp thích hợp để báo cáo tiến độ thực hiện công việc trong việc thực thi chiến lược.
- Cuối cùng là cung cấp cơ sở để xem xét và tiềm năng sửa đổi chiến lược, (không chỉ đơn giản là các phương pháp hoặc mục tiêu cụ thể) và hỗ trợ các cuộc họp và ra quyết định, như việc nhóm nghiên cứu rút ra những kinh nghiệm gì từ quá trình thực hiện chiến lược.
Trong nhiều năm, người ta cho rằng Bản đồ chiến lược có thể được sử dụng như một công cụ phát triển chiến lược. Kaplan và Norton trong cuốn sách của họ “Tổ chức Tập trung Chiến lược” cũng đã lập luận rằng các doanh nghiệp có thể áp dụng mẫu “tiêu chuẩn ngành” (về cơ bản đó là một bộ các mục tiêu chiến lược đã được xác định trước).
(Xem các bài đăng tải tiếp theo).
[1] TS. Nguyễn Khắc Hùng, Tập bài giảng cho hệ thạc sỹ quản trị kinh doanh. Hà Nội: 2017 (Không phát hành).
[2] Tư vấn chiến lược năm 2016.